Long Thọ Bồ Tát Truyện Diêu Tần Tam Tạng Cưu Ma La Thập (Hán Dịch)

Thích Chúc Hiền (Việt Dịch)

Long Thọ Bồ Tát vốn dòng tộc Phạm Chí ở Nam Thiên Trúc, thông minh đĩnh ngộ, nghe qua nhớ kỹ. Thuở nằm nôi, nghe các Phạm Chí tụng bốn bộ kinh điển Vệ Đà, mỗi bộ bốn vạn bài kệ, mỗi kệ ba mươi hai chữ thì thuộc lòng, hiểu rõ nghĩa lý. Trưởng thành nổi tiếng, một mình chu du các nước, thông suốt địa lý, thiên văn, đồ vĩ, sấm ký và các đạo thuật khác, từng kết bạn với ba người là các bậc anh kiệt một thời. Bốn vị cùng nhau bàn: Trong thiên hạ, đạo lý mà có thể mở sáng tinh thần, khai ngộ lẽ sâu mầu thì chúng ta đã thấu suốt hết, còn muốn gì nữa? Thất tình lục dục là thú vui trong đời, các đạo sĩ Phạm Chí chẳng phải là vua quan, công hầu thì làm sao có được? Chỉ có thuật tàng hình thì mới tìm thỏa mãn lạc thú. Thế rồi, bốn vị nhìn nhau bằng lòng cùng đi đến thuật gia tìm pháp tàng hình. Thuật sư nghĩ: “Bốn vị Phạm Chí này tiếng tăm lừng lẫy xem mọi người như rơm rác. Nay vì thuật tàng hình mà họ cúi mình đến ta. Các Phạm Chí này thông minh tuyệt thế, điều họ không biết chỉ là pháp rẻ tiền này thôi. Nếu ta trao cho họ. Họ được pháp rồi sẽ bỏ ta không còn khuất phục nữa. Nếu đưa thuốc cho họ mà họ không biết dùng, thuốc hết chắc chắn họ đến tìm, có thể vì pháp thuật mà họ cúi mình làm đệ tử của ta. Thế rồi, đưa cho mỗi người một viên thuốc xanh bảo: Ngươi ở chỗ thanh vắng dùng nước mài thuốc rồi bồi lên mắt thì hình của ngươi sẽ ẩn tàng không ai thấy.” Long Thọ khi mài thuốc nghe mùi liền biết chính xác tên và hàm lượng thuốc, quay về bảo với thầy thuốc rằng: “Thuốc này có bảy mươi loại”. Quả đúng như vậy. Thầy thuốc hỏi: Sao ngươi biết? Đáp: Thuốc có mùi sao không biết! Thầy thuốc khâm phục nghĩ: Người này khó gặp, tiếc gì thứ thuật rẻ tiền? Liền trao hết cho Long Thọ. Bốn vị được pháp thuật tàng hình tha hồ tự tại vào ra cung vua. Các mỹ nhân trong cung đều bị xâm hại. Hơn trăm ngày sau, trong cung có người mang thai, hổ thẹn đến tâu với vua tha lỗi. Vua không vui nghĩ: “Là điềm bất tường hay là điều quái lạ gì đây?”Bèn mời các bề tôi trí thức đến hỏi. Có cựu thần tâu: Việc này có hai trường hợp: “Hoặc quỷ mị, hoặc pháp thuật. Hãy dùng đất bột rắc nơi các cửa, sai hữu ty canh cửa không cho người ra vào. Nếu thuật nhơn ra vào thì sẽ hiện dấu chân, thì hãy dùng binh trừ. Nếu quỷ mị ra vào thì không hiện dấu, hãy dùng thuật mà diệt”. Vua cho người rải đất bột nơi cửa để thử thì phát hiện dấu chân của bốn người đến phòng. Đem tâu lên vua. Vua cho mấy trăm lực sĩ vào cung đóng hết cửa lại, sai các lực sĩ khao đao trảm thì ba người kia chết. Riêng Long Thọ thu mình mép sau cái bình bên đầu vua. Ở bên đầu vua cách bảy thước nên dao không chạm đến. Khi đó ngài mới ngộ: “Dục là gốc khổ là căn nguyên của tai họa, bại đức nguy thân đều từ đó mà ra. liền phát thệ rằng: Nếu được thoát nguy thì sẽ đến sa môn xin xuất gia”. Khi thoát ra khỏi cung ngài liền vào núi đến một tháp Phật xuất gia thọ giới, trong 90 ngày tụng hết ba tạng, liền cầu kinh khác nhưng không đâu có được, bèn vào ngôi tháp trong núi Tuyết Sơn. Trong tháp có lão tỳ kheo trao cho kinh điển Ma Ha Diễn. Ngài đọc tụng cảm thấy vui thích, dầu biết thật nghĩa nhưng chưa được thông suốt, bèn chu du các nước cầu các kinh khác, tìm khắp Diêm Phù Đề không có. Luận sư ngoại đạo, đạo nghĩa Sa môn thảy đều nể phục. Đệ tử ngoại đạo đến thưa: Thầy là bậc Nhất thiết trí, nay là đệ tử Phật. Phận đệ tử tiếp nhận không đủ, lẽ nào chưa đáng sao? Còn thiếu một việc thì chẳng phải Nhất Thiết Trí. Cạn lời đuối ý, liền khởi tâm tà mạn. Tự nghĩ: Trong cõi đời có rất nhiều đường. Kinh Phật dù vi diệu, đem lý mà suy vốn chưa cùng tận. Trong chỗ chưa cùng tận có thể bày tỏ cho hàng hậu học rõ để nơi lý không sai, ở việc không mất , như vậy thì có lỗi gì? Suy nghĩ vậy rồi liền muốn thực hành điều đó, bèn lập thầy giáo giới may y mới, nay nương Phật pháp nhưng có dị biệt, muốn để trừ tâm những người dạy không chịu học, chọn ngày định giờ thì sẽ trao cho. Bảo đệ tử nhận giới mới đắp y mới, riêng ở chỗ vắng trong cung Thuỷ Tinh, Đại Long Bồ Tát thấy ngài như vậy xót thương liền dắt vào biển ở trong cung điện mở bảy kho báu, phát bảy rương hoa báu, đem các kinh điển uyên áo Phương Đẳng, Vô lượng Diệu Pháp trao cho ngài. Ngài Long Thọ nhận kinh đọc trong 90 ngày thông hiểu rất nhiều. Ngài thâm nhập tánh thể đắc được lợi ích. Đại Long biết được tâm ngài bèn hỏi rằng: Xem hết kinh chưa? Đáp: “Kinh trong rương rất nhiều, vô lượng không thể đọc hết. Kinh mà tôi đã đọc, gấp mười lần kinh ở Diêm Phù Đề”. Đại Long nói: “kinh điển có trong cung tôi so với các nơi khác còn nhiều không thể đếm hết”. Ngài Long Thọ đã được các kinh, thâm nhập Vô Sanh nhị nhẫn cụ túc. Đại Long đưa ngài trở về Nam Thiên Trúc, hoằng truyền Phật pháp hàng phục ngoại đạo, phát huy Đại thừa, ngài đã viết Ưu Ba Đề Xá gồm có mười vạn bài kệ, Trang Nghiêm Phật Đạo Luận gồm có năm ngàn kệ, Đại Từ Phương Tiện Luận gồm có năm ngàn kệ, Trung Luận gồm có năm trăm kệ; khiến cho giáo nghĩa Đại Thừa thạnh hành ở Thiên Trúc. Ngài còn tạo Vô Uý Luận gồm mười vạn kệ. Trung Luận rút từ luận này. Bấy giờ có Bà là môn khéo biết chú thuật muốn dùng sở năng của mình tranh hơn với Long Thọ bèn tâu với vua nước Thiên Trúc: Thần có thể điều phục tỳ kheo này. Vua nên thử nghiệm. Vua bảo: Ngươi ngu quá. Bồ tát này sáng sánh với mặt trời mặt trăng, trí tuệ và tâm thánh chiếu khắp. Sao ngươi không từ tốn mà dám không tôn kính. Bà la môn tâu: Vua là bậc trí tuệ sao không lấy lý nghiệm để thấy mà đè ép bề tôi như vậy? Vua nghe thế, đến thỉnh ngài Long Thọ sáng sớm cùng ngồi trên điện Chánh Thính. Ba la môn đến sau liền ở trước điện dùng chú thuật làm cái ao lớn thanh trong rộng dài. Trong ao có hoa sen ngàn cánh tự ngồi trên đó xấc xược với ngài Long Thọ: Ngươi ngồi dưới đất không khác gì súc sanh mà muốn cùng ta bậc đại trí đức ở trên hoa sen thanh tịnh nghị luận . Bấy giờ, Ngài Long Thọ cũng dùng chú thuật hóa làm voi trắng sáu ngà đi vào trong ao, ngước lên tòa sen, dùng vòi quấn chặt Bà la môn đưa lên cao rồi ném xuống đất, Bà la môn bị thương ở thắt lưng, lồm cồm bò dậy, lạy ngài Long Thọ rồi thưa: Tôi tự hủy nhục Đại sư, xin ngài thương xót chấp nhận tôi mà bỏ qua sự ngu muội của tôi. Vua Nam Thiên Trúc thống lãnh các nước, tin theo tà đạo, Sa môn Thích tử hoàn toàn không được diện kiến. Quốc dân xa gần đều giáo hóa theo đạo ấy. Long Thọ nghĩ: Cây không chặt gốc thì cành không ngả. Nhân chủ không chuyển hóa thì đạo không lưu hành. Vương gia chính pháp nước ấy xuất tiền thuê người thị vệ. Long Thọ xứng đáng làm tướng nước ấy để đảm nhiệm tiên phong chấn chỉnh hàng ngũ quân đội, kiềm chế lươn lẹo. Uy binh không nghiêm, khiến cho hành pháp không rõ ràng để mọi người tuân theo. Vua rất vui hỏi: Đó là người nào? Thị vệ đáp: Người này xứng đáng để tuyển, đã không ăn bỗng lộc, lại không nhận tiền lương, ở nơi việc kính cẩn, thong dong làm. Như thế không biết ý vua muốn thế nào? Vua triệu vào hỏi: Ngươi là người thế nào? Đáp: Thần là bậc Nhất Thiết Trí. Vua rất kinh ngạc hỏi: Bao đời có một. Ngươi tự xưng lấy gì chứng nghiệm. Đáp: Muốn biết trí tuệ của người nào thì hãy nghe họ nói. Vua đang diện kiến hỏi thần. Vua liền suy nghĩ. Ta là trí chủ có thể khuất phục lời hỏi của Đại nghị luận sư, còn không thì danh tiếng một mai không còn. Như vậy chẳng phải là việc nhỏ. Nếu không hỏi thì liền khuất phục. Nghi hồi lâu không được mới hỏi: Nay làm gì? Long Thọ tâu: Nay đấu với A-tu-la. Vua nghe vậy giống như người bị nghẹn, nhả không ra, nuốt không trôi. Muốn chê thì không có chứng cứ. Muốn khen thì không có việc minh chứng. Vua chưa kịp nói thì Long Thọ lại tâu: Đây chẳng phải là lời bàn suông để tranh hơn. Vua đợi giây lát, chợt có sự chứng nghiệm. Từ hư không có ngàn binh khí nối nhau rơi xuống. Vua bảo: Ngàn binh khí tuy là dụng cụ để chiến đấu nhưng ngươi đâu cần biết là trời đấu với A-tu-la. Long Thọ tâu: Lời hư cấu không bằng sự thật. Nói xong, ngón tay ngón chân và tai mũi A-tu-la từ hư không rơi xuống, lại khiến vua, thần dân, chúng Bà la môn thấy trận chiến trên hư không không còn. Vua bèn bái phục pháp hóa của ngài. Trên điện có vạn Ba-la-môn đều bỏ búi tóc, thọ giới thành tựu. Bấy giờ, có một pháp sư tiểu thừa thường ôm lòng tật đố. Long Thọ sắp viên tịch mới hỏi vị ấy: Ngươi có vui ta trụ lâu ở đời này chăng? Đáp: Thật không mong. Ngài vào thiền thất thanh vắng suốt ngày không ra. Đệ tử phá cửa vào thấy ngài điềm nhiên viên tịch, từ đó đến nay hơn trăm năm. Các nước Nam Thiên Trúc lập miếu thờ cung kính ngài như Phật. Dưới cây mẹ ngài sanh ra ngài nhân đó gọi là A-chu-đà-na. A-chu-đà-na là tên cây. Nhờ rồng thành tựu đạo nghiệp cho nên kết hợp với chữ Long gọi là Long Thọ. ( Căn cứ Truyện của ngài Pháp Tạng là vị tổ sư thứ 13. Như ngài Pháp Tạng nói: Nhờ Long Thọ dùng thuốc tiên nên thọ hơn 200 tuổi gìn giữ Phật pháp, độ vô số người).

Trích dịch từ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh No: 2047
Tu Viện An Lạc, California, 2:00 sáng,
08-10-2024.
Thích Chúc Hiền (Kính dịch)

Previous
Previous

Công Đức Và Linh Nghiệm Thọ Trì Kinh Kim Cang

Next
Next

Mã Minh Bồ Tát Truyện