Thần Tăng Thích Tuệ Ước (慧約)

Thích Tuệ Ước tự Đức Tố, Họ Lũ, quê ở Ô Thương Đông Dương. Ông nội là Sĩ Tộc Đông Nam. Có người bói cơ nghiệp của ông rằng: Đời sau sẽ có người khổ hạnh đắc đạo làm thầy của vua. Mẹ ngài họ Lưu mơ thấy có ông già cầm tượng vàng bảo nuốt, lại thấy hào quang quanh mình, nhân đó mang thai, liền tỉnh mộng cảm thấy tinh thần sảng khoái tâm tư bừng tỉnh. Đến ngày sanh ra ngài thì hào quang và hương thơm đầy khắp, mình trắng như tuyết. Tục nhân đó gọi là Linh Xán. Lúc nhỏ ngài nhóm cát làm tháp Phật, chất đá làm tòa cao. Bảy tuổi cầu nhập học, tụng đọc Hiếu kinh, luận ngữ cho đến sử truyện xem văn rõ ý. Phía nam nhà có vườn cây trái, bọn trẻ quanh xóm đua nhau đến hái cho là họa hoạn, bèn bỏ những gì mình có được trở về tay không. Người dân quê lấy việc trồng dâu nuôi tằm làm nghề nghiệp. Ngài ôm lòng trắc ẩn u buồn, nên không mặc tơ lụa. Chú út của ngài thích săn bắn. Ngài khuyên nhưng rốt cuộc ông ấy không bỏ. Ngài thường than rằng: Loài chim bay thú chạy cách người rất xa, nhưng chúng cũng ham sống sợ chết đâu khác gì người?! Thế rồi, ngài bèn bỏ hẳn không dùng thịt cá. Người chú liền lánh đi làng khác tha hồ săn bắn. Một hôm ông mơ thấy sứ giả mặc áo đỏ tay cầm giáo mác bảo rằng: Ông suốt ngày sát sanh. Bồ Tát khuyên mà ông không chịu dừng. Nay buộc ông phải chết. Tỉnh dậy toát mồ hôi hột. Sáng ra ông hủy bỏ hết dụng cụ săn bắn, tha thiết hối lỗi trước. Sau, đến chỗ thường săn bắn thấy mấy chục con nai nhảy vọt lên thuyền, ông hổ thẹn cảm tạ. 

Một hôm, Ngài đến nơi vắng vẻ không thấy chùa, bỗng gặp một vị tăng thăm hỏi để đến giáo hoá. Vị ấy đưa tay chỉ về hướng đông nói: Phật sự ở Diệm Trung rất thạnh. Nói xong liền biến mất, ngài mới biết là thần nhân. Đến năm 12 tuổi, ngài mới đến đất Diệm lễ khắp tháp miếu, cố ý du sơn ngoạn thủ tham phương cầu học, dốc lòng nghiên cứu kinh điển. Vào niên hiệu Thái Thuỷ thứ tư đời Tống, tại chùa Đông Sơn ở Thượng Lỗ, ngài từ biệt người thân thế phát xuất gia. Năm 17 tuổi, thờ sa môn Tuệ Tĩnh ở chùa Nam Lâm. Sau theo sa môn Tuệ Tĩnh đến trụ tại chùa Phạm Cư ở đất Diệm, hầu thầy hơn 12 năm cho đến khi sa môn Tuệ Tĩnh viên tịch, tận tâm lo tang lễ. Tang lễ xong, sau đó ngài giã từ Lạp Nham đến dừng tại Nhĩ, dùng thuật trường sinh để trừ bịnh tật, kéo dài thêm tuổi thọ rất có hiệu nghiệm. Thái Tể Văn Giản Công đời Tề là Trữ Uyên từng thỉnh ngài giảng kinh Tịnh Danh và kinh Thắng Man. Một hôm, Uyên bị bịnh nằm ngủ trưa thì mơ thấy có vị sư người Ấn bảo: Bồ tát sẽ đến. Nếu thấy có đạo nhân đến là vị ấy. Lát sau, thì ngài đến, bỗng nhiên Trữ Uyên bớt bịnh, liền thỉnh nhận năm giới. Quan Cấp Sự Trung đời Tề là Lũ Ấu Du có chút ít học thuật. Ấu Du là ông tổ của ngài, mà mỗi khi thấy ngài thì đứng dậy làm lễ. Có người hỏi: “ Tuệ Ước là lớp dưới sao ông cung kính vậy?” Du ôn tồn đáp: Bồ tát ra đời mới là thầy thiên hạ, đâu chỉ mình lão phu cung kính! Người bấy giờ không hiểu, chỉ có Vương Văn Hiến hiểu rõ. Sau ngài trở lại kinh đô trụ nơi thảo am. Vào niên hiệu Long Xương, Thiếu Phó Thẩm Ước ra quận nhậm trấn có thỉnh ngài cùng đi. Ngài chỉ lấy sự tĩnh lặng thiền định làm vui, hương lạ bay vào nhà, thú dữ đến quy phục bên thềm. Ngài thường vào núi Kim Sơn hái trái rừng, có khi dừng lại ở khe Xích Tùng. Có đạo sĩ Đinh Đức Tĩnh bị chết tức tưởi ở đạo quán. Tương truyền: Chỗ đạo quán này là mộ của thần Sơn tinh. Đạo sĩ bèn dọn sạch rẩy rượu để ở, nhưng yêu mị vẫn còn. Quan Trường Sơn Lịnh là Từ Bá Siêu xây nhà giảng pháp thỉnh ngài đến ở, chưa đầy mười ngày thì yêu tinh thần mị đều dứt. Sau, ngài nằm nghỉ trưa mơ thấy đồng nam đồng nữ mặc áo xanh từ trong suối hiện ra, làm lễ sám hối thưa rằng: “Do vì nghiệp chướng đời trước sâu nặng nên đoạ làm thần Thuỷ tinh ngày đêm bị phiền não bức bách.”

Nhân đó, ngài truyền tam quy và năm giới cho hai vị. Từ đó không còn tai hoạ yêu quái nữa. Vào ngày mùng 8 tháng 4 năm Kỷ Hợi, niên hiệu Thiên Giám thứ 18, Vua phát nguyện thọ giới Bồ tát và ngự giá đến điện Đẳng Giác. Từ vua quan xuống đạo tục thứ dân đều mong được ngài độ thoát. Đệ tử của ngài được ghi chép lại khoảng bốn vạn tám ngàn người, mỗi khi thọ giới từng có càn hạc đậu bên thềm rồi bay lên có vẻ như muốn được ăn, đến khi thuyết giới xong thì mới bay đi. Lại có khi thuyết giới có hai con khổng tước đuổi không đi, vua lịnh thì nghe theo vua, đi lần đến đàn tràng thuyết pháp ngược cổ lên nghe pháp. Vua bảo: Chim này chắc sắp chết nhưng còn chịu dư báo, ngài chí thành thuyết pháp cho chúng thì vô cớ hai con chim đó cùng lúc lăn ra chết. Sau ngài tĩnh cư ở ngôi thất vắng bỗng có bà lão quê mang mấy cuốn sách đặt trên bàn kinh không nói năng gì rồi đi ra mang cây lạ tự trồng nơi sân nói là cây Thanh đình. Ngài bảo: “ Sách này hay không đợi xem còn như không hay thì cũng không nhọc để xem. Qua bảy ngày lại thấy một người già đến thỉnh sách đi. Cây ấy còn thưa lá xanh hoa hồng, lại cảm chim lạ đuôi đỏ mình dài như cái quạt theo nhau đến đậu bay ra bay vào trên cây. Vào niên hiệu Đại Thông thứ 4, một hôm, ngài mơ thấy ngôi nhà cũ bỗng nhiên tráng lệ có vách trắng, cửa đỏ, nên ngài phát nguyện xây chùa, vua ban hiệu chùa là Bản Sanh, lại ban sắc đổi làng Trúc Sơn nơi ngài cư ngụ thành làng Trí Giả. Tháng 8, niên hiệu Đại Đồng thứ nhất, sai người chặt cành cây ngoài cửa bảo rằng: Vua sẽ xa giá đến không nên cản đường, mọi người không ngăn được. Đến ngày mùng 6 tháng 9 thị hiện bịnh đầu xoay về hướng Bắc, nằm nghiêng hông bên phải tinh thần vui vẻ như hoàn toàn không có bịnh đau, bảo đệ tử rằng: “ Thầy mơ thấy bốn bộ đại chúng tràng hoa đầy khắp trên không trung nghinh tiếp Thầy lên mây mà đi. Phước báo sẽ xong. Đến ngày 16, vua ban sắc lịnh cho người lần lượt đến thăm. Ngài nói: Đêm nay sẽ đi. Đến canh năm ngài nói hai lần, hương lạ đầy thất, phải trái đầy đủ, ngài nói: Hễ sanh thì có tử là lẽ thường tự nhiên, cần tu niệm tuệ chớ khởi loạn tưởng. Nói xong, ngài chấp tay vào Niết bàn, trụ thế 84 tuổi, 63 hạ Lạp. Khi ngài vừa nhóm bịnh nằm mơ thấy một ông lão cầm tích trượng đi vào. Đến ngày ngài viên tịch, chư tăng chọn núi phía Đông chùa để an táng ngài. Vua bèn đổi mộ thành Độc Long. Xét ra ông lão mà ngài mơ thấy trước đó là ngài Chí Công đến đón ngài chăng?! Vả lại vào đêm ngài sắp viên tịch con trâu xanh mà ngài cỡi bỗng nhiên rống lên rồi rơi lệ. Đến ngày an táng vua sai lính đến khiên kim quan đi từ chùa đến núi gào khóc không ngớt. Khi mới xây tháp có con hạc trắng nhiễu quanh tháp kêu khóc âm thanh rất buồn thảm. Sau ba ngày an táng ngài thì bỗng nhiên hạc chết.

(Trích từ Đại Tạng Kinh No: 2064
Thần Tăng Truyện quyển thứ 3)
Thích Chúc Hiền (dịch)

Previous
Previous

Đại Sư Tăng Ý và Đại Sư Đạo Phong

Next
Next

Hiện Tượng Lâm Phàm của Bồ Tát Thích Ca