Cung Tán Công Hạnh Sư Ông thượng Hành hạ Sơn
Tiểu Sử
Hòa Thượng THÍCH HÀNH SƠN
Hòa Thượng thế danh Lê Đình Nam, sinh năm Mậu Thân (1908) trong một gia đình trung nông, có truyền thống Nho học. ở làng Đại An, xã Kỳ Long (nay là xã Tam Thái, huyện Phú Ninh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Thân phụ là cụ ông Lê Văn Thơ, Thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Mới.
Những năm đầu của thập niên 40, Ngài mới có nhân duyên gặp Phật Pháp và cũng trong thời gian này Ngài cùng với người anh là Lê Trọng Hoàng, em là Lê Tấn Phước cùng với Phật tử Nguyễn Quế phát tâm sáng lập chùa Đại An tại quê nhà vào năm 1944.
Năm Ất Mùi (1955) Ngài thọ Tam Quy – Ngũ Giới với Hòa Thượng Thích Trí Giác tại Tổ đình Phước Lâm – Hội An với Pháp danh Thị Hải.
Năm Canh Tý (1960) thấu rõ được lẽ vô thường của nhân sinh thế cuộc, Ngài phát tâm xuất gia với Hòa thượng Thích Giải An tại chùa Thọ Sơn, tỉnh Quảng Ngãi với pháp tự Hành Sơn. Sau hai năm thờ thầy học đạo, Ngài được Hòa thượng Bổn Sư cho thọ giới Cụ Túc tại Đại Giới Đàn do Giáo Hội Tăng Già Nam Việt tổ chức tại Phật Học Viện Sài Gòn, chùa Ấn Quang vào ngày mùng 2 tháng 8 năm Nhâm Dần (1962). Sau khi thọ Cụ Túc giới, Ngài lưu lại Sài Gòn ở chùa Giác Nguyên – Vĩnh Hội (nay là Quận Tư) để tu học một thời gian và tham dự An Cư Kiết Hạ tại dây.
Sau khi về lại quê nhà, Ngài được Giáo Hội Quảng Nam cùng Phật tử Quế Sơn thỉnh làm trụ trì chùa Viên Minh, làng Trung Lộc, xã Sơn Phúc, quận Đức Dục (Nay là xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam). Ở đây, Ngài nỗ lực tu tập, tiếp tăng độ chúng và phát triển Phật Pháp rộng ra các vùng phụ cận như Trung Phước, Đại Bình, Khương Quế, Nông Sơn, Sơn Ninh, Sơn Thuận (tức Quế Ninh, Quế Phước).
Năm 1965, chiến tranh lan rộng nên Ngài về lánh nạn tại Hội An. Đến năm 1966, Ngài cùng với chư tôn đức lãnh đạo GHPGVNTN tỉnh Quảng Nam thành lập chùa An Lạc tại trại định cư Thanh Đông (nay thuộc phường Thanh Hà, Hội An).
Cũng trong thời gian này, Ngài lên khu kỹ nghệ An Hòa, quận Duy Xuyên khai sơn ngôi chùa An Hòa. Tiếp đó, Ngài khai sơn chùa Nông Sơn, chùa Minh Giác và được cử làm Chánh Đại Diện Phật Giáo quận Đức Dục. NĂm 1968, chiến sự diễn ra mỗi lúc càng khốc liệt, nạn nhân mỗi ngày càng nhiều, được sự ủy nhiệm của tỉnh Giáo Hội Quảng Nam, Ngài đứng ra thành lập Cô Nhi Viện An Hòa và làm Giám Đốc, nhận nuôi nấng các trẻ em mồ côi và giúp cho các nạn nhân chiến tranh.
Năm 1971, chùa An Hòa và Cô Nhi Viện An Hòa bị kẻ lạ mặt dùng pháo và súng liên thanh tấn công vào ban đêm, làm chết một vị tăng và nhiều trẻ em mồ côi. Riêng thầy bị thương nặng, phải chuyển về chữa trị tại Bệnh Viện Duy Tân – Đà Nẵng.
Sau khi phục hồi sức khỏe, được sự chỉ đạo của Tổng vụ Từ Thiện Xã Hội Giáo Hội Trung Ương, Hòa Thượng quyết định chuyển dời Cô Nhi Viện về tại khuôn viên chùa Pháp Hội, An Hải Đông – quận 3 Đà Nẵng, Ngài tiếp tục nhiệm vụ Giám Đốc và nuôi dạy trẻ mồ côi.
Năm 1972, Ngài được thỉnh cử làm trụ trì chùa Pháp Hội, Hòa Thượng đã trùng kiến toàn bộ ngôi chùa này.
Năm 1975 đất nước hòa bình thống nhất, Ngài bàn giao Cô Nhi Viện An Hòa cho Nhà Nước, nghỉ chức Giám Đốc Cô Nhi Viện, chi giữ lại chức vụ trụ trì chùa Pháp Hội.
Vào tháng 3 năm 1975, người dân lánh nạn chiến tranh lần lượt trở về quê cũ. Hòa Thượng trở lên Quế Lộc xây dựng lại ngôi chùa Viên Minh để kịp thời có chỗ cho chư Tăng và Phật tử tu tập, phụng sự Đạo pháp. Sau đó, Ngài giao lại cho đệ tử là thầy Đồng Châu làm trụ trì, Ngài trở về tiếp tục điều hành Phật sự tại chùa Pháp Hội, đồng thời về quê nhà củng cố lại chùa Đại An.
Năm 1986, vì tuổi cao sức yếu. Ngài bàn giao chùa Pháp Hội cho Phật tỬ tập đảm nhiệm, Ngài lui về chùa Đại An ven đồi núi quê nhà để an dưỡng tu niệm.
Đầu năm Kỷ Tỵ (1989) tự thấy mình tuổi đã cao, sức đã yếu, biết không còn sống được bao lâu nữa, nên Ngài thu xếp mọi việc để chuẩn bị cho chuyến đi xa. Dự tri thời chí, vào lúc 18 giờ, Ngài an nhiên viên tịch. Trụ thế 83 tuổi, 28 Hạ Lạp.