Mã Minh Bồ Tát Truyện
Hậu Tần Tam Tạng Cưu Ma La Thập (Hán dịch)
Thích Chúc Hiền (Việt dịch)
Có Đại sư tên Bồ Tát Mã Minh là đệ tử của Trưởng lão Hiếp. Bấy giờ, Trưởng lão Hiếp chăm lo Phật pháp nhập Tam muội quán xem ai là người có thể xuất gia rộng tuyên đạo pháp giáo hóa khai ngộ chúng sanh? Trưởng lão Hiếp thấy Trung Thiên Trúc có ngoại đạo xuất gia, thế trí biện thông, giỏi nghị luận. Vị ấy xướng rằng: Nếu các tỳ kheo, người nào có khả năng nghị luận với ta thì hãy đánh kiền chuỳ. Còn như không có khả năng thì không đáng để đánh kiền chuỳ nhận cúng dường từ người khác. Khi ấy, Trưởng lão Hiếp mới từ Bắc Thiên Trúc đến Trung Thiên Trúc, thành Thích Ca. Trên đường đi ngài gặp các Sa di. Các Sa di đều cùng đi với ngài: Đại đức trưởng lão cùng nô đùa với bọn con. Tức thì họ đến nắm tay ngài dắt đi, những trò tinh nghịch của các Sa di Trưởng lão đều bỏ qua. Diện mạo của Trưởng lão vẫn bình thản không hề có dấu hiệu tỏ ra bất mãn. Trong các Sa di có người học vấn rộng nhận ra Trưởng lão là bậc phi phàm, có hiểu biết sâu xa, nên dò hỏi sở hành của Trưởng lão. Trưởng lão thong thả bước đi và ôn tồn trả lời kẹn kẽ thông suốt hết những thắc mắc của vị ấy. Bấy giờ, các Sa di đều thấy Trưởng lão là bậc cao đức có hiểu biết sâu xa khó lường, nên họ càng thêm cung kính, theo hầu cận Trưởng lão. Khi đó, Trưởng lão dùng thần lực nương hư không để đến Trung Thiên Trúc trú trong một ngôi chùa. Trưởng lão hỏi các tỳ kheo: “Sao không y pháp đánh kiền chuỳ?” Các tỳ kheo đáp: “Thưa Trưởng lão vì có nguyên nhân không đánh kiền chuỳ”. Trưởng lão hỏi: Vì cớ gì? Đáp: Có ngoại đạo xuất gia có khả năng nghị luận giỏi, xướng rằng:”Bảo các chúng sa môn Thích tử trong nước nếu không có khả năng nghị luận với ngài thì không được đánh kiểu chuỳ nhận sự cúng dường từ người khác”. Do có lời ấy nên không đánh kiền chuỳ. Trưởng lão bảo: Hãy đánh kiền chuỳ nếu vị ấy tới thì ta ra ứng đối. Các cựu tỳ kheo rất lấy làm lạ lời ấy mà nghi là Trưởng lão không thể tranh biện. Chư vị cùng tập họp để bàn việc đánh kiền chuỳ. Nếu ngoại đạo đến sẽ thỉnh Trưởng lão đảm nhiệm ứng đối. Thế rồi, chư tỳ kheo cho đánh kiền chuỳ. Ngoại đạo liền hỏi: Nay vì cớ gì mà đánh kiền chuỳ? Đáp: Phương Bắc có Sa môn Trưởng lão đến đánh kiền chuỳ, chứ không phải chúng tôi. Ngoại đạo nói: Hãy bảo Trưởng lão đến đây. Liền thỉnh Trưởng lão ra diện kiến. Ngoại đạo hỏi: Trưởng lão muốn luận nghị chăng? Đáp: Đúng thế. Ngoại đạo liền cười nói: Trưởng lão tỳ kheo này dáng vẻ đã như vầy. Lại nói: Cũng chỉ là người thường thôi sao lại muốn luận nghi với ta? Hai vị liền cùng hẹn. Bảy ngày sau, mời quốc vương, đại thần, sa môn, ngoại đạo cùng vân tập, các đại pháp sư sẽ đến đó luận nghị. Qua đêm thứ sáu, Trưởng lão nhập quán tam muội chiêm nghiệm điều cần ứng đối. Đến sáng ngày thứ bảy đại chúng vân tập. Trưởng lão đến trước liền thăng tòa cao, diện mạo hoan hỷ hơn ngày thường. Ngoại đạo đến sau ngồi dãy ghế phía trước. Nhìn thấy dáng vẻ sa môn hòa vui, tâm ý an tịnh, thư thái, lại toàn thân có đủ luận tướng. Ngoại đạo liền nghĩ rằng: Phải chăng đây là một Thánh tỳ kheo, tâm chí an vui lại đầy đủ luận tướng? Hôm nay chắc chắn Trưởng lão sẽ thành công trong cuộc nghị luận. Trưởng lão liền cùng ngoại đạo lập giao ước: Nếu người nào thua thì sẽ chịu tội gì? Ngoại đạo đáp: Nếu thua thì phải chịu cắt lưỡi. Trưởng lão ôn tồn đáp: Không được! Chỉ cần làm đệ tử là đủ rồi! Ngoại đạo đáp: Được!
Ngoại đạo lại hỏi: Ai nói trước? Trưởng lão đáp: Ta tuổi già, từ xa đến, lại ngồi đây trước lẽ ra ta nói trước. Ngoại đạo đáp: Cũng được! Ngoại đạo nói những điều hôm nay Trưởng lão nói tôi sẽ đả phá hết. Trưởng lão nói: Những điều ta nói sẽ khiến thiên hạ thái bình, đại vương trường thọ, cõi nước hưng thịnh, an lạc, không có tai ương, hoạn ách. Ngoại đạo im lặng không biết nói gì, đành ở chỗ thua cuộc quy phục cạo bỏ râu tóc làm đệ tử. Trưởng lão độ vị ấy làm Sa di và cho thọ giới cụ túc. Vị ấy ngồi một mình ở nơi thanh vắng tự tâm tư duy: Ta có tài hiểu biết sáng suốt sâu xa nổi tiếng làm chấn động thiên hạ nhưng sao vì một lời của Trưởng lão mà dẫn đến phải chịu quy phục liền làm đệ tử người khác? Nghĩ vậy tâm không vui. Trưởng lão biết tâm vị ấy nên liền bảo vào phòng rồi Trưởng lão hiện thần túc hiển bày các biến hóa. Từ đó vị ấy mới biết Trưởng lão là bậc phi phàm, nên vị ấy liền vui vẻ nghĩ rằng: Ta là đệ tử cố gắng làm như Trưởng lão. Trưởng lão nói: Ngươi thông minh tài năng nhưng không dễ đạt đến chân thật nên không thành tựu. Nếu học được pháp của ta, ngươi là người có năng lực hiểu biết, biện tài sâu sắc, thông suốt, thấu rõ nghĩa thú thì tương lai trong thiên hạ không ai địch nổi. Sau, Trưởng lão trở về nước, vị đệ tử ấy ở lại Trung Thiên Trúc thông suốt các kinh, thấu rõ trong ngoài, tài biện luận trùm khắp thế gian, bốn chúng kính phục. Vua nước Thiên Trúc rất quý trọng tiếp đãi vị ấy. Sau đó, vua nước nhỏ Nguyệt Thị Bắc Thiên Trúc đến chinh phạt ở Trung Thiên Trúc. Khi vây giữ kinh thành, vua Trung Thiên Trúc sai mang thư hỏi rằng: Nếu vua có nhu cầu điều gì sẽ chu cấp, sao trụ ở đây lâu làm khốn khổ dân chúng ? Vua nước Nguyệt Thị đáp: Theo ý ngươi thì hãy dâng ba ức vàng thì sẽ tha cho. Vua Trung Thiên Trúc đáp: Cả nước không có được một ức vàng, làm sao có ba ức để dâng. Đáp: Trong nước ngươi có hai bảo vật lớn: một là bình bát Phật, hai là Tỳ kheo biện tài. Đem hai thứ báu dâng cho ta thì đáng được hai ức vàng. Vua nói: Hai bảo vật này ta rất trân quý không thể đem dâng.
Bấy giờ, tỳ kheo thuyết pháp cho vua. Tỳ kheo nói: Phàm vua có cảm tình nhận sự giáo hóa trong thiên hạ thì không có hai. Phật đạo nghĩa sâu rộng gồm cả sự cứu giúp chúng sanh. Đức của bậc Đại nhân cũng lấy việc cứu độ chúng sanh làm đầu. Theo lẽ ở đời có nhiều khó khăn, nên vua chỉ giáo hóa một nước mà thôi. Nay hoằng tuyên Phật đạo thì tự mình có thể làm pháp vương trong bốn biển. Tỳ kheo độ người nghĩa không gì khác, công đức ở nơi tâm lẽ đạo không có xa gần. Nên gìn giữ lợi ích sâu xa rộng lớn, chứ đâu cần những điều ở trước mắt mà thôi. Vua thấu hiểu càng thêm kính trọng, thực hành theo lời của tỳ kheo liền dâng tỳ kheo cho vua Nguyệt Thị. Vua Nguyệt Thị liền trở về nước. Các bề tôi nghị bàn rằng: Vua phụng thờ bình bát Phật nên giữ kỹ. Vị tỳ kheo mà thiên hạ đều cho là đáng một ức vàng không phải là thái quá. Vua biết rõ tỳ kheo là bậc cao minh, thù thắng, là người dẫn đường làm lợi ích hoằng truyền Phật pháp , có tài biện luận thuyết pháp thâm sâu cảm hóa loài phi nhân, sẽ khai ngộ cho những kẻ mê lầm. Vua thử để bảy con ngựa đói đến sáu ngày, cho tập hợp khắp sa môn, các học giả khác trong và ngoài nước, thỉnh tỳ kheo thuyết pháp. Các thính giả không ai mà không khai ngộ. Vua đem cột ngựa trước hội chúng, đem cỏ cho chúng. Ngựa rơi lệ nghe pháp không màng đến việc ăn cỏ. Từ đó thiên hạ mới biết tỳ kheo là bậc phi phàm, vì ngựa hiểu được âm thanh thuyết pháp của tỳ kheo, nên bèn gọi tỳ kheo là Mã Minh Bồ Tát. Ở Bắc Thiên Trúc ngài Mã Minh đã hoằng tuyên Phật pháp sâu rộng, dẫn dắt làm lợi ích cho quần sanh bằng phương tiện khéo léo. Bồ tát là bậc thành tựu công đức được bốn chúng kính trọng, lại tôn xưng ngài là “Mặt trời công đức”.
(Trích dịch từ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh No: 2046)
Tu Viện An Lạc, California, 04-09-2024
Thích Chúc Hiền (kính dịch)